Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn là tổn thương viêm hoặc áp xe tại cơ vân do vi khuẩn gây nên. Bệnh thường khởi phát khi có các vết thương ở da gây viêm nhiễm, sau khi thực hiện các thủ thuật trên da không được đảm bảo vệ sinh, vô khuẩn.
Nguyên nhân bệnh Viêm cơ, áp xe cơ
Nguyên nhân chính gây ra viêm cơ, áp xe cơ là do sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ vân thông qua các vết rách hoặc trầy xước trên da không được vệ sinh sạch sẽ. Người bệnh có thể bị nhiễm khi các vết trầy xước tiếp xúc với vi khuẩn trong điều kiện ô nhiễm, với các dụng cụ mất vệ sinh.
Ngoài ra, việc thực hiện thủ thuật như tiêm truyền, châm cứu, phẫu thuật khi chưa được sát khuẩn da kỹ càng, dụng cụ không đảm bảo vô trùng, tiệt trùng khi can thiệp trên da đã làm cho vi khuẩn có đường xâm nhập hoàn hảo và bên trong cơ gây nên các viêm cơ và áp xe.
Triệu chứng bệnh Viêm cơ, áp xe cơ
Viêm cơ, áp xe cơ có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Trên các bệnh nhân mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch, viêm cơ áp xe cơ có thể xuất hiện tại nhiều cơ trên cơ thể.
Các triệu chứng xuất hiện khi viêm cơ, áp xe cơ gồm có: Sưng cơ, đau cơ, tấy đỏ. Thời gian sau đó nếu không được điều trị, diễn biến bệnh sẽ tăng lên với cảm giác rất đau, căng tức khi ấn xuống, chọc hút ra mủ. Nếu để lâu hơn bệnh sẽ diễn biến nặng lên gây viêm các khớp lân cận, bệnh nhân sốt cao, sốt liên tục, ý thức thay đổi, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Viêm cơ cắn
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm cơ, áp xe cơ
Viêm cơ, áp xe gặp ở mọi đối tượng không phân biệt độ tuổi. Bệnh hay gặp nhất ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm như trong bệnh HIV, các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường, viêm đa cơ hệ thống, xơ cứng bì, các trường hợp sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài trong điều trị bệnh.
Người già, trẻ em, những đối tượng suy dinh dưỡng, cơ thể suy kiệt, mắc các bệnh các tính, những người làm việc trong môi trường độc hại là một trong những người dễ mắc bệnh nhất.
Phòng ngừa bệnh Viêm cơ, áp xe cơ
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, không sử dụng rượu bia và hút thuốc lá nhằm nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi có các vết thương trên da cần vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo vô trùng khi thực hiện các thủ thuật can thiệp. Điều trị tích cực các bệnh lý tự miễn của cơ thể như đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống. Khi xuất hiện các triệu chứng cần đến khám tại cơ sở y tế khi có biện pháp điều trị phù hợp, không để bệnh diễn biến nặng sẽ khó khăn trong việc điều trị.
Viêm cơ vai
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm cơ, áp xe cơ
Khi người bệnh đến khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ kết hợp giữa biểu hiện lâm sàng của người bệnh và hỏi bệnh như thời gian đau, tình trạng, vị trí đau xác định bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa như:
Xét nghiệm máu kiểm tra trong trường hợp viêm như công thức máu, định lượng CRP, Fibrinogen, máu lắng. Kiểm tra cấy máu tìm vi khuẩn hoặc chọc hút tại vị trí viêm, áp xe tìm vi khuẩn để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Kiểm tra bằng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mang lại giá trị cao như siêu âm cơ tìm tổn thương và đánh giá mức độ tổn thương, chụp cắt lớp vi tính xác định tổn thương đồng thời xác định mức độ xâm lấn của tổn thương giúp cho bác sĩ thấy rõ được các hình ảnh tổn thương xương, mô mềm đồng thời đánh giá được mức độ tổn thương để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm cơ, áp xe cơ
Việc phát hiện và điều trị bệnh viêm cơ, áp xe cơ rất quan trọng, cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt nhiên không để bệnh lâu, bệnh diễn biến xấu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Các biện pháp điều trị hiện nay thường sử dụng như:
Điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ: Điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định. Tuyệt đối chỉ được dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ sau khi có kết quả xét nghiệm. Việc dùng thuốc bừa bãi không những không điều trị được bệnh mà còn tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc làm thất bại trong việc điều trị.
Điều trị nâng cao thể trạng cho người bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch giúp tăng khả năng điều trị của người bệnh.
Trong quá trình điều trị cần kiểm tra thường xuyên nhằm đánh giá khả năng phục hồi và tiến triển bệnh để có phương án điều trị phù hợp.